ÁNH SÁNG TRẦN GIAN Đức Ki-tô không phải là người được soi sáng, nhưng chính Ngài là ánh sáng. Ngài không chỉ là đường, mà còn muốn mình là đích tới nữa. Hồng Y có lần bảo, biến cố ở Bê-lem «là bước đột phá quyết định của lịch sử thế giới đưa tới việc kết hợp con người với Thiên Chúa ». Thiên Chúa đã thật sự làm người, đó là một biến cố vĩ đại. Ngài không phải chỉ mượn thân xác con người để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó trong một thời điểm của lịch sử - nhưng đã là người sống trong lịch sử, và cuối cùng đã giang hai tay trên thập giá, để mở ra không gian cho chúng ta có thể bước vào. Nếu giờ đây Con Người - Thiên Chúa này, như Kinh Thánh nói, muốn đưa tất cả chúng ta vào trong Ngài, muốn kéo chúng ta vào làm một thân xác duy nhất sống động, như hai người nam và nữ trở thành một xương thịt như ta đọc thấy trong Kinh Thánh, thì ta sẽ thấy đây không phải là một biến cố đơn lẻ, nó rồi sẽ biến đi như nó đã xuất hiện. Không, đây là một đột phá, một khởi đầu, mà Đức Ki-tô qua Thánh Thể, qua các bí tích và phép rửa muốn kéo ta vào trong đó. Trong ý nghĩa đó, ở đây thật sự đã có một hoà tan giữa Thiên Chúa và con người, giữa Tạo hoá với tạo vật, đó là một cái gì vượt trên mọi quy luật tiến hoá. Đây không còn là một bước tiến của tiến hoá, phát sinh từ lực thiên nhiên, nhưng là một đột phá tung cửa, là hành động yêu thương của một con người, mở ra từ giây phút đó một không gian mới và một khả thể mới cho nhân quần. Ngài có lần nói, Đức Giê-su là « con người kiểu mẫu, con người của tương lai, qua Ngài ta thấy được khả năng hoàn thiện bản thân ta trong tương lai ». Phải chăng điều này có nghĩa là về lâu về dài chúng ta sẽ trở nên toàn hảo được giống như Đức Giê-su Ki-tô ? Trên thực tế, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, ta đang vươn tới con người mới. Ngài là mẫu gương cho bản thân ta nhắm tới. Tôi không muốn nói rằng, con người sẽ chỉ tiến lên giống Ngài về các khả năng bên ngoài mà thôi. Nhưng khung hình nội tâm của Ngài, và cuối cùng là sự hi sinh tự hiến trên thập giá của Ngài, mới là khuôn thước kiểu mẫu cho nhân loại tương lai. Không chỉ có việc đi theo Ngài hay bước vào con đường của Ngài. Mà tâm ta còn phải tự đồng hoá với Ngài, như Ngài đã tự đồng hoá với ta. Tôi nghĩ, đó mới thật là đích điểm đi tới của con người. Nhìn vào những tấm gương lớn theo Ngài trải dài trong nhiều thế kỉ, ta mới nhận ra được những gì ẩn chứa trong con người Đức Giê-su Ki-tô. Đây không phải là ta thổi phồng lên một khuôn mẫu lý tưởng, nhưng qua họ ta thấy được tất cả những khả thể làm người. Một Thérèse ở Lisieux, một thánh Don Bosco, một Edith Stein[2], một tông đồ Phao-lô hay một Tô-ma ở Aquino, các ngài đã học Đức Ki-tô để trở thành người. Tất cả các ngài đã trở nên thật giống Đức Ki-tô, nhưng mỗi người trong họ vẫn có một mẫu sống riêng. Trong một bài giảng, có lần ngài giải thích, các ngọn nến mùa vọng nhắc nhở các em về những ngàn năm của lịch sử nhân loại trước Đức Ki-tô, những ngàn năm của tăm tối và chưa được cứu rỗi. Và ki-tô hữu đã đặt cho thời gian sau khi Chúa sinh ra một cái tên thật đẹp : « anni salutis reparatae », những năm của ơn cứu độ được tái lập. Nếu ta quan niệm thời gian cứu độ một cách máy móc, xem đó như là một cái gì đã được thiết lập chắc chắn, cứ việc vào đó nhặt ơn cứu độ mà xài, thì điều đó chắc chắn không đúng. Ta vẫn thấy thực tế luôn phản lại quan niệm trên. Chẳng hạn, chưa bao giờ có những cuộc chiến man rợ và sắt máu như trong thế kỷta đang sống. Nó xấu xa hơn mọi thời gian trước đó, vì ta không có được những phương cách để kiểm soát sự dữ một cách tinh vi, hữu hiệu và hợp lí. Ơn cứu độ đã được trao tặng cho ta không phải là một cái gì máy móc và bên ngoài. Nó được tín thác vào tự do, và như thế cũng được đặt vào sự mỏng dòn của tự do và vào bản chất dễ sa ngã của con người. Ơn cứu độ luôn khởi sự một cách mới mẻ nơi mỗi người, chứ nó không đơn giản đã có sẵn đó. Nó không do từ bên ngoài hay do quyền lực mà có, nhưng chỉ bước vào khi tự do của ta mở cửa. Nhưng trên hết và trong mọi chuyện vẫn là Chúa, Ngài đi tới với ta và cho ta hi vọng, hi vọng này mạnh hơn mọi phá hoại và nó giúp con người trở nên hoàn thiện.
|